Thực ra, nói vậy cũng không phải là quá đáng! Là vì, nếu tấm kính
chắn gió (windshield) mà mờ câm, không cho bạn thấy được đường sá trước
mặt thì ngồi trên xe làm gì? Càng chạy nhanh càng dễ chết, không phải
là bỏ xe đi bộ còn an toàn hơn hay sao? Ðó là những lúc trời mưa lớn,
nước tạt xối xả vào tấm kính trước mặt, cái gạt nước không quay như
chong chóng để mở cho bạn một tia nhìn trước mặt thì thực là đành bó
chân! Nhưng vào những ngày trời lạnh, nước đông đá trên kính xe, cái
gạt nước có xoay cách mấy cũng chẳng mở được tầm nhìn, là vì trước mặt
bạn lúc nào cũng thấy một màn sương mịt mờ vây phủ, không hiểu từ đâu
xuất hiện đầy trong lòng xe.
Frosting và Fogging là gì?
Hiện tượng đó được gọi là Frosting và Fogging thường xảy ra cho xe
trong mùa lạnh. Nếu không biết cách hóa giải để trả lại sự trong sáng
cho tấm kiếng, thì chúng ta không thể nào lái xe được. Hoặc đang lái xe
mà gặp Frosting và Fogging bất ngờ và không hóa giải kịp thời, bạn sẽ
rất dễ gây ra tai nạn.
Trước khi nói về các phương pháp hóa giải được gọi là Defrost và
Defog, chúng ta cần nói đôi chút về cái cơ chế dẫn đến những hiện tượng
đó. Nói một cách vắn tắt, Frost được tạo thành do nhiệt độ lạnh làm
đông đá các giọt sương rơi xuống trong đêm, rồi đậu lại trên kính xe
của bạn. Còn Fog, gọi là mù sương, được tạo thành do hơi thở ấm áp đầy
hơi nước của chúng ta thở ra trong lòng xe. Khi hơi thở ấy chạm vào
những tấm kính lạnh buốt sương đêm thì đọng lại và kết tụ thành mù
sương ở mặt trong của tấm kính, làm cho nó không còn trong sáng nữa.
Nhà sản xuất xe hơi cũng có tiên liệu trước tình cảnh này nên đã chế
tạo sẵn những bộ phận để hóa giải. Bạn chỉ việc bấm một cái nút để
Defrost tấm kính trước mặt, và bấm một cái nút khác để Defrost tấm kính ở
sau lưng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những cái nút này tỏ ra
không hiệu quả, hơn nữa, như tên gọi các nút ấy xác định, chúng có thể
đối phó với “frosting” (nước đông đá), chứ không hẳn trị được fogging
(hơi thở biến thành mù sương), và trong những trường hợp frosting,
fogging trầm trọng, thì những cái nút ấy đành chịu phép.
Bốn phương pháp giải nguy
Rốt cuộc, sự an nguy lại đặt lên vai chúng ta, bắt buộc chúng ta phải
phối hợp sáng kiến để thoát hiểm. Xin đề cập với bạn 4 phương pháp sau
đây:
1. Phương pháp thứ nhất: Ðơn giản nhất là lấy một miếng vải, hoặc một
cái khăn giấy để lau bên trong mặt kính trước, hoặc xịt một thứ hóa
chất mua ngoài thị trường lên đó, bạn sẽ tạm thời mở được một “đường
máu” giữa mù sương ngay. Nhưng đáng tiếc, biện pháp này không có hiệu
quả lâu dài, chỉ chừng vài phút sau đó là mù sương lại ùn ùn kéo về lấp
đầy mặt kính. Tuy nhiên, dù trong mùa lạnh hay mùa nóng, bạn luôn luôn
nên có một vài miếng vải lau trong xe để dùng phối hợp với các biện
pháp khác.
2. Phương pháp thứ 2: Mở các khe thoát khí (vent), và mở rộng các cửa
sổ. Phương pháp này giúp cho không khí tươi mới ngoài trời lọt vào
trong xe, nhờ đó phần nào cân bằng nhiệt độ bên trong với bên ngoài, và
có thể làm cho mù sương giảm bớt.
Tuy nhiên, biện pháp này không thể áp dụng được nếu ngoài trời đang
mưa, hoặc đang lạnh cắt da xẻ thịt. Bạn ẩn trong xe mong hưởng được đôi
chút ấm áp của máy sưởi, mà bây giờ ai đó lại mời giá lạnh vào thăm thì
có phải là bất nhân không cơ chứ! Về sau, để khỏi mang tiếng “bất
nhân,” thị trường có tung ra một số sản phẩm gọi là wind visor hoặc
wind deflector để đánh lạc hướng gió. Chuyện này nếu có cơ hội, chúng
ta sẽ đề cập đến sau.
Ngoài ra, trong những ngày sương tuyết, ẩm độ bên ngoài thường cao
hơn trong xe, nên rốt cuộc mở cửa sổ xe cũng chẳng hiệu quả chút nào
trong việc giải tỏa lớp mù sương trên kính xe cả.
3. Phương pháp thứ 3: Mở máy lạnh. Nếu bạn sợ mình nghe lầm, thì xin
được lập lại: Ðúng, mở máy lạnh, tức là hệ thống AC. Trong lúc trời
lạnh co ro, mở máy lạnh để... ướp xác à? Hay là vì bây giờ xăng rẻ (có
thật không đấy?) nên mở máy lạnh để tăng gia tiêu thụ thúc đẩy thị
trường?
Không phải thế. Nhưng vì hệ thống máy lạnh được chế tạo với nhiều
công dụng: Ngoài việc giải nhiệt cho chúng ta trong lúc trời nóng bức,
máy lạnh còn làm cho không khí khô lại, tức là rút bớt ẩm độ đi. Khi máy
lạnh bắt đầu work, thì ẩm độ cũng co lại, giống y như lớp mù sương
trên tấm kính từ từ co lại vậy.
Chắc chắn bạn sẽ thắc mắc, “Nhưng lúc ấy tôi đang mở máy sưởi mà! Có
phải tắt máy sưởi để mở máy lạnh không?” Tắt máy sưởi cũng được, nhưng
không cần đâu. Bạn có thể vừa mở máy sưởi vừa mở máy lạnh cũng không
sao. Bạn cứ việc mở máy sưởi lên tới một mức nào thoải mái nhất cho
mình. Miễn là cái xe của bạn cho phép bạn làm 2 điều xem ra ngược nhau
cùng lúc. Sở dĩ nói “miễn là” là vì, có nhiều xe không có nút bấm để cho
bạn làm đồng thời 2 động tác đó. Trong đa số các loại xe Phạm Ðình
biết, thì muốn mở máy lạnh mình chỉ ấn cái nút AC cho đèn xanh sáng lên,
và mở máy sưởi thì xoay một cái núm tròn khác, đưa cây kim về vùng đỏ,
tức là vùng nhiệt độ cao để có hơi nóng.
Làm được 2 thứ cùng lúc như vậy, bạn sẽ thấy cái kính trước mặt mình
từ từ trong sáng lại ngay. Có nhiều người cho rằng, cần phải hạn chế
làm điều này vì nó có thể làm hại máy. Có thể đó là sự lo xa mà thôi,
chứ chúng ta có bằng chứng nào về điều đó.
4. Mở nút Defogger (Demister): Nếu xe của bạn có thêm một cái nút gọi
là Defogger hoặc demister để giải tỏa mù sương, thì bạn nên tận dụng
nút đó. Nhưng nhớ phải vặn máy lạnh (AC) lên cùng lúc thì Defogger làm
việc mới hiệu quả. Một số loại xe tự động bật máy lạnh ngay khi bạn bấm
nút Defogger - Nếu xe của bạn không có chức năng tự động đó, thì bạn
phải tự làm lấy vậy. Dĩ nhiên, trong trường hợp này, bạn cứ mở máy sưởi
lên tới một mức nào đó để cho được thoải mái lái xe, chứ đừng trơ thân
cụ ra chịu lạnh nhé. Lấy thân che của như vậy không phải là đắc sách
đâu.